Trong các bài tìm hiểu về dịch vụ F&B khách sạn trước đây các bạn cũng đã nắm rõ tầm quan trọng của dịch vụ này. Đây là dịch vụ mang lại nguồn lợi nhuận lớn thứ hai, chỉ sau dịch vụ buồng phòng. Bên cạnh đó, F&B còn là dịch vụ đóng vai trò chính trong việc đảm bảo doanh thu chung, cũng như tạo dựng và phát triển thương hiệu cho khách sạn.
Vậy, bộ phận F&B khách sạn bao gồm những vị trí công việc nào? Đặc điểm, vai trò của từng vị đó như thế nào? Hãy cùng Linh marketing tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây:
Tùy vào quy mô, tiêu chuẩn và loại hình dịch vụ của khách sạn, mà bộ phận F&B sẽ có mô hình tổ chức nhân sự tương ứng, vì vậy, vị trí công việc của bộ phận này khá đa dạng. Chắc chắn, bạn không thể áp dụng mô hình nhân sự của một khách sạn bình dân 1 – 2 sao cho những khách sạn cao cấp 4 – 5 được.
Do đó, khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh doanh cho bộ phận F&B, các chủ khách sạn cần đặc biệt lưu ý đến cơ cấu tổ chức nhân sự cho bộ phận này. Làm sao để đảm bảo hoạt động kinh doanh của bộ phận F&B được vận hành trơn tru, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng, đem về nguồn doanh thu cao cho khách sạn.
Một mô hình nhân sự hoàn thiện đảm bảo hiệu quả cao nhất cho dịch vụ F&B khách sạn sẽ bao gồm những vị trí sau:
1. Giám đốc bộ phận F&B (F&B manager)
Giám đốc F&B hay còn gọi là F&B manager có nhiệm vụ xây dựng chính sách, quy định nhằm đáp ứng mục tiêu của khách sạn/ resort và đảm nhận nhiệm vụ quản lý cao nhất tại bộ phận F&B trên tất cả phương diện từ dịch vụ, thực đơn, nguyên liệu,… cho đến nhân sự, đào tạo, marketing, thu chi,…
2. Giám đốc nhà hàng (Restaurant Manager)
Giám đốc nhà hàng hay Quản lý nhà hàng là trợ thủ đắc lực của giám đốc bộ phận F&B. Người này chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của nhà hàng: tiếp đón, phục vụ khách, kiểm xoát công việc của các dịch vụ ăn uống, các quầy tự phục vụ trong khách sạn và phòng tiệc. Là người quản lý trực tiếp nhân sự thuộc bộ phận F&B, phối hợp với bộ phận nhân sự trực tiếp tuyển dụng, đào tạo và huấn luyện nhân viên cho bộ phận F&B.
3. Trưởng nhóm (Head Waiter)
Khi nhắc đến bộ phận F&B khách sạn không thể không kể đến những bộ phận như: đặt bàn, phục vụ, phục vụ bàn. Để việc quản lý và điều hành diễn ra hiệu quả, mỗi bộ phận này cần có một người trưởng nhóm chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc điều hành bộ phận của mình. Cụ thể như:
Trưởng nhóm đặt bàn là người quản lý đội ngũ nhân viên đặt bàn tại các khu vực được phân công. Họ sẽ tiếp nhận và ghi lại những yêu cầu đặt bàn của khách hàng và nắm rõ tình trạng bàn của nhà hàng: số bàn còn trống, loại bàn, vị trí,… Khi tiếp nhận đặt bàn của khách, họ phải làm việc với trưởng nhóm phục vụ và lễ tân để chuẩn bị đón tiếp.
Trưởng nhóm phục vụ là người quản lý và giám sát công việc của đội ngũ nhân viên phục vụ. Họ là người quan sát và trực tiếp chỉ dẫn những công việc cần thiết trong quá trình hoạt động của bộ phận mình. Bên cạnh đó, trưởng nhóm phục vụ sẽ phụ trách lên lịch, phân chia ca làm việc cho nhân vên trong bộ phận của mình.
Trưởng nhóm phục vụ bàn là người phụ trách quản lý một nhóm nhân viên phục vụ phụ trách một số bàn cụ thể, thường là từ 6 – 8 bàn, đảm bảo đáp ứng kịp thời và phục vụ thực khách một cách tốt nhất.
4. Nhân viên trực bàn
Nhân viên trực bàn là người đứng phục vụ trực tiếp trong suốt quá trình khách sử dụng dịch vụ của nhà hàng. Họ sẽ đứng tại những vị trí dễ nhìn thấy trong nhà hàng, đảm bảo đáp ứng kịp thời, nhanh chóng nhu cầu của khách hàng và phối hợp với bộ phận bếp để bữa ăn của khách không bị gián đoạn.
5. Nhân viên trực sảnh
Không phải khách sạn nào cũng có vị trí công việc này, chỉ ở những khách sạn cao cấp từ 4 trở lên sẽ sắp xếp thêm đội ngũ nhân viên chuyên biệt này. Ở những khách sạn, nhà hàng tầm trung nhân viên phục vụ bàn sẽ là người đảm nhận luôn vị trí này. Bên cạnh đó, nhân viên trực sảnh còn là người phục vụ cà phê buổi sáng, trà buổi chiều, đồ uống trước và sau bữa ăn của khách hàng.
6. Nhân viên bếp
Dịch vụ chính của F&B khách sạn là phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của khách hàng, vì vậy, không thể nào thiếu được những công việc liên quan đến bộ phận bếp. Họ là những người chịu trách nhiệm tạo ra những món ăn hấp dẫn theo menu mà khách sạn đã lên để phục vụ thực khách. Trong bộ phận bếp có rất nhiều vị trí khác nhau, bao gồm: Bếp trưởng, bếp phó, đầu bếp chính, đầu bếp phụ, phụ bếp.
7. Nhân viên đón tiếp (Host/Hostess)
Cũng giống như nhân viên lễ tân khách sạn, nhân viên đón tiếp có nhiệm vụ đón và tiễn chân khách hàng. Khi khách hàng bước vào nhà hàng, bar, louge,.. nhân viên đón tiếp sẽ chào hỏi và mời khách ngồi vào bàn, nếu khách đã đặt bàn trước thì nhân viên tiếp đón sẽ hướng dẫn khách đến vị trí của mình và thông báo cho nhân viên phục vụ biết để họ tiếp đón.
8. Nhân viên pha chế (Barista/ bartender)
Ngoài khu vực nhà hàng, dịch vụ F&B khách sạn còn có dịch vụ đồ uống như: quầy bar, lounge hoặc không gian cà phê. Nhân viên pha chế là người thông thạo các công thức pha chế, có thể tạo ra những món đồ uống ngon, hấp dẫn, như những ly cocktail rực rỡ, những tách cà phê hương vị đậm đà hay những ly sinh tố mát lạnh,…
9. Nhân viên phụ trách đồ ăn tự chọn (Chef de Buffet)
Những nhân viên này sẽ phụ trách các công việc tại khu vực quầy ăn tự chọn của khách sạn. Họ sẽ chịu trách nhiệm về các món tự chọn tại khu vực được phân công từ cách bài trí, thu chi, phân chia món,…
10. Nhân viên tiệc (Banqueting staff)
Trong các khách sạn có quy mô lớn, còn có thêm dịch vụ cho thuê hội trường và tổ chức tiệc cho các hội nghị, tiệc cưới hay sinh nhật,…Vì vậy, tại các khách sạn này sẽ có thêm những vị trí công việc như: quản lý bộ phận tiệc, trợ lý quản lý, nhân viên phục vụ, nhân viên pha chế.
Trên đây là mô hình tổ chức nhân sự hoàn chỉnh nhất cho bộ phận F&B trong khách sạn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào quy mô, loại hình dịch vụ F&B của khách sạn, mà các chủ đầu tư sẽ lựa chọn những vị trí công việc cụ thể. Chỉ có những khách sạn hạng sang 5 sao mới có đầy đủ các bộ phận nhân sự như trong cơ cấu tổ chức trên.