Để công việc kinh doanh khách sạn thành công, ngoài việc xây dựng những chiến lược phát triển, các kế hoạch truyền thông thì việc xây dựng một bộ máy nhân sự hợp lý và khoa học cũng là yếu tố vô cùng cần thiết. Việc phác hoạ mô hình công việc giúp người quản lý, người chủ khách sạn dễ dàng sắp xếp nhân sự hợp lý, chuyên môn hoá công việc, tạo ra môi trường làm việc thoải mái, công bằng,…từ đó có thể tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng của từng nhân viên.
Để giúp các chủ đầu tư dễ dàng tổ chức một mô hình nhân sự hiệu quả nhất, Linh Trương sẽ đưa ra những bước gợi ý một cách cụ thể và chi tiết trong bài viết dưới đây.
1. Phác hoạ công việc
Trước khi lên một bản kế hoạch công việc, người chủ khách sạn và bộ phận quản lý cần dành thời gian để lên danh sách công việc cụ thể của từng bộ phận, từng phòng chuyên môn. Bản danh sách công việc phải cụ thể, trình bày rõ các công đoạn cũng như thời gian cần thiết để hoàn thành.
Không chỉ liệt kê danh sách công việc, người chủ khách sạn còn phải tìm ra cách tốt nhất để thúc đẩy nhân viên, tạo động lực làm việc đối với từng công việc cụ thể. Để làm được điều đó, họ phải hiểu một điều rằng: năng suất công việc phụ thuộc vào con người, công việc kinh doanh của bạn có tốt, có mang về lợi nhuận cao hay không phụ thuộc phần lớn vào chính đội ngũ nhân viên của bạn.
Đối với một môi trường khách sạn cần phải quan tâm đến nhân viên nhiều hơn, vì khi đi vào hoạt động nhân viên của bạn sẽ là người thường xuyên tiếp xúc với khách hàng và là người đảm bảo dịch vụ của khách sạn một cách tốt nhất. Quan tâm đến họ, người chủ khách sạn mới biết được những điểm mạnh, điểm yếu để điều chỉnh hợp lý, cũng như là có chính sách khen thưởng kịp thời, đúng lúc.
2. Tuyển chọn nhân viên
Sau khi đã xác định được các đầu mục công việc cần thiết cho hoạt động kinh doanh khách sạn, chủ đầu tư sẽ tiến hành tuyển chọn nhân viên. Để tuyển dụng được đội ngũ nhân viên phù hợp với từng vị trí công việc đã được vạch ra, các chủ đầu tư có thể tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau: các trang tuyển dụng việc làm, đăng thông tin tuyển dụng lên website, page hoặc cũng có thể đăng quảng cáo trên báo chí,…
Các chủ khách sạn cũng có thể vào trực tiếp các trường chuyên môn về khách sạn và du lịch để tuyển chọn, đây sẽ là nguồn nhân lực tiềm năng khi bạn biết cách đào tạo và sử dụng.
Sau khi đã có hồ sơ, đội ngũ quản lý khách sạn cần ngồi lại để sàng lọc, chọn những ứng viên phù hợp, có khả năng. Sau khi ứng viên qua qua vòng sơ khảo sẽ được hẹn lịch phỏng vấn trực tiếp, thường thì sẽ được giám đốc của bộ phận mà họ ứng tuyển phỏng vấn. Mỗi khách sạn, mỗi người quản lý có những “thủ thuật” phỏng vấn riêng của mình để tìm ra được những ứng cử viên sáng giá cho vị trí công việc mà họ đang cần.
3. Đào tạo và phát triển
Người chủ khách sạn phải biết rằng, việc đào tạo và huấn luyện đội ngũ nhân viên mới đòi hỏi thời gian và phải có những phương pháp riêng. Việc huấn luyện và đào tạo nhân viên góp phần thúc đẩy hiệu quả kinh doanh của khách sạn, giúp nhân viên phục vụ tốt hơn công việc của họ.
Các buổi đào tạo có thể thực hiện ngoài giờ làm việc hay tổ chức những khoá đào tạo ngắn hạn bằng những chỉ dẫn đã được soạn thảo trước. Cũng có thể huấn luyện, đào tạo ngay tại nơi họ sẽ làm việc dưới sự hướng dẫn của quản lý bộ phận hay những người có chuyên môn nghiệp vụ cao. Dưới sự huấn luyện và giám sát chặt chẽ, đội ngũ nhân viên mới sẽ nhanh chóng thích nghi với công việc.
Bên cạnh chương trình đào tạo, huấn luyện nghiêm khắc, khách sạn cũng cần phải có những chính sách khen thưởng, đề bạt dành cho nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, có thái độ hỏi học hỏi tốt,…điều đó sẽ giúp tạo động lực và hứng thú đối với công việc cho nhân viên.
4. Đánh giá quá trình công tác
Dù trong bất cứ ngành nghề gì, nhân viên đều mong muốn những cố gắng, sự tâm huyết của họ được ghi nhận. Chính vì vậy, việc thường xuyên đánh giá quá trình công tác của nhân viên khách sạn sẽ giúp bạn phát hiện được những tiềm năng, những người có thái độ làm việc tốt mang lại hiệu quả công việc cao để khen thưởng, cân nhắc vị trí kịp thời.
Bên cạnh đó, dựa vào việc đánh giá hiệu quả của quá trình làm việc giúp người quản lý phát hiện những điều chưa hợp lý trong việc sắp xếp nhân sự và cũng có thể tìm ra những nhân viên trình độ chuyên môn kém, thái độ làm việc chưa tốt để đào tạo lại hoặc sa thải.
Để đánh giá được quá trình công tác của nhân viên, người chủ khách sạn và người quản lý của từng bộ phận sẽ đưa ra những tiêu chí về hiệu quả công việc mà nhân viên đó đạt được. Đồng thời, người quản lý cũng có thể tham khảo thêm ý kiến, những nhận xét, đánh giá của khách hàng đối với nhân viên của họ.
Hi vọng với 4 gợi ý trên các chủ đầu tư cũng như những ai đang làm công tác quản lý khách sạn sẽ có được nguồn tham khảo hữu ích để phác hoạ quy mô nhân sự một cách chi tiết và cụ thể, giúp cho việc kinh doanh khách sạn thuận lợi và đạt hiệu quả cao.