Để đảm bảo quá trình vận hành của một khách sạn chắc chắn không thể nào thiếu một hệ thống nhân sự hoàn hảo với đầy đủ các bộ phận từ bộ phận tiền sảnh, bộ phận F&B cho đến các bộ phận hành chính – nhân sự, Sales – marketing và tuyệt đối không thể thiếu bộ phận housekeeping hay còn gọi là bộ phận buồng phòng. Đây là bộ phận đặc biệt quan trọng chiếm tới 60% doanh thu mang về cho khách sạn.
Vậy, housekeeping là gì? bộ phận này đảm nhận những vị trí công việc gì? Câu trả lời sẽ có trong bài viết ngay sau đây:
1. Housekeeping là gì?
Housekeeping là thuật ngữ tiếng Anh dùng để chỉ công việc của nhân viên buồng phòng khách sạn. Họ là những người làm công việc trong phòng khách sạn, nhà nghỉ, họ chịu trách nhiệm làm vệ sinh phòng khách, kiểm tra phòng khi khách nhận và trả phòng.
Tuy là một công việc âm thầm và lặng lẽ nhưng đây là bộ phận có vai trò quan trọng và mang về nguồn doanh thu cao nhất cho khách sạn. Có thể công việc của nhân viên buồng phòng khách sạn khá đơn giản và nhàm chán, nhưng thực tế nó lại mang đến rất nhiều điều mới mẻ, thú vị và cũng yêu cầu sự chuyên nghiệp cũng như nhiều đức tính quan trọng.
Để đảm bảo chất lượng phục vụ, thể hiện được sự chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ của khách sạn, trong bộ phận buồng phòng có sự phân chia thành nhiều bộ phận nhỏ hơn với nhiệm vụ được phân công rõ ràng và tính chuyên môn hoá cao.
2. Những vị trí công việc trong bộ phận buồng phòng khách sạn
Bộ phận dọn phòng (Room Attendant)
Đây là nhiệm vụ quan trọng và tuyệt đối không thể thiếu của bộ phận buồng phòng cũng như quá trình hoạt động của một khách sạn. Nhân viên dọn phòng sẽ chịu trách nhiệm làm sạch sẽ toàn bộ hệ thống phòng trong khách sạn, đồng thời, bổ sung những đồ dùng cần thiết cho phòng khách sạn hàng ngày như: amenities, khăn, đồ uống trong minibar,…
Bộ phận giặt ủi (Laundry)
Nhân viên giặt ủi trong khách sạn sẽ chịu trách nhiệm thu gom tất cả đồ giặt: chăn, ga, vỏ gối,… trong hệ thống phòng có khách ở để giặt và ủi tất cả những món đồ đó. Đồng thời, họ cũng sẽ phải thu gom tất cả quần áo của khách (khi khách hàng có yêu cầu sử dụng dịch vụ giặt là), giặt và ủi tất cả những bộ quần áo đó. Ngoài ra, hệ thống khăn trải bàn, khăn ăn hay đồng phục của nhân viên khách sạn cũng do bộ phận giặt ủi chịu trách nhiệm.
Bộ phận tầng phòng (Public Area Attendant)
Đội ngũ nhân viên này sẽ chịu trách nhiệm làm sạch và giữ gìn không gian chung của khách sạn: sảnh, hành lang, cầu thang và cả các nơi công cộng, phòng nghỉ của nhân viên và cả hệ thống phòng làm việc của đội ngũ nhân sự trong khách sạn.
3. Lưu ý dành cho nhân viên buồng phòng
Công việc của nhân viên buồng phòng khá nặng nhọc và mệt mỏi với một khối lượng công việc khá lớn trong một ca làm việc. Do thường xuyên bị chịu áp lực nên đôi khi nhân viên buồng phòng gặp phải các chấn thương với lưng, cổ, vai và cánh tay. Và hơn thế nữa, do yêu cầu công việc, nhân viên buồng phòng thường phải khom người, ngồi xổm, quỳ gối,… như vậy nó rất dễ ảnh hưởng đến tư thế của bạn.
Để tránh được những rủi ro đó, nhân viên buồng phòng cần lưu ý:
– Xoay vòng công việc hợp lý: bạn sẽ phải di chuyển, chuyển đổi công việc một cách phù hợp. Những công việc khác nhau yêu cầu bạn phải sử dụng cơ bắp khác nhau, tạo điều kiện cho cơ bắp hoạt động và phục hồi.
– Xây dựng một quy trình làm việc để giảm những động tác thừa khi làm việc.
– Bạn thật sự hiểu về một quy trình an toàn lao động.
– Đề cao tinh thần làm việc theo nhóm, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.
– Đảm bảo chế độ dinh dưỡng để duy trì sức khoẻ.