Nhân viên chính là yếu tố quan trọng để khách sạn có thể đi vào hoạt động và kinh doanh thuận lợi. Một khách sạn cần có rất nhiều bộ phận nhân sự khác nhau: lễ tân, tổng đài viên, nhân viên hành lý, bảo an, …và chắc chắn không thể nào vắng mặt được những nhân viên của bộ phận buồng phòng. Họ là người đảm nhận nhiệm vụ giữ gìn hình ảnh khách sạn luôn sạch sẽ và thoáng mát.
Để trở thành một người lãnh đạo, một nhà quản lý tài ba, những người chủ khách sạn hoặc người quản lý của khách sạn phải nắm rõ được từng bộ phận nhân viên viên của mình, công việc họ phải làm cụ thể là gì, những quy tắc đối với từng bộ phận, vị trí công việc đó. Có như vậy, bạn mới có thể lên một bản kế hoạch nhân sự hoàn hảo và giám sát được hiệu quả công việc mà nhân viên của mình mang đến.
Vậy bạn có biết, nghiệp vụ chuyên môn mà một nhân viên buồng phòng trong khách sạn là gì không? Nếu chưa rõ thì hãy tham khảo ngay bài viết sau đây của Linh Trương nha.
1. Nhân viên buồng phòng là người làm công việc vệ sinh buồng phòng
Công việc chính của một nhân viên buồng phòng là làm vệ sinh, đảm bảo không gian cho các căn phòng của khách sạn luôn sạch sẽ, thơm tho. Họ cũng là người kiểm tra và bổ sung những vật dụng cần thiết trong ngủ của khách sạn.
Thông thường, khi bắt đầu một ngày làm việc, nhân viên buồng phòng sẽ được trưởng bộ phận hoặc nhân viên giám sát buồng phòng giao cho một số lượng phòng nhất định cần phải dọn dẹp. Họ sẽ được nhận chìa khoá các phòng yêu cầu và cả chìa khoá kho để lấy xe đẩy và các vật dụng dọn dẹp cần thiết. Sau đó, họ sẽ tiến hành lau dọn phòng, sắp xếp gọn gàng những vật dụng khác đã dùng, thay thế những đồ dùng mới nếu cần thiết,…
Mỗi một khách sạn sẽ có một nguyên tắc vệ sinh buồng phòng riêng, những quy chuẩn về việc sắp xếp đồ dùng, vật dụng cũng khác nhau. Ngay từ khi mới vào làm, nhân viên buồng phòng phải được đào tạo kỹ về những quy định, nguyên tắc đó của khách sạn.
2. Nhân viên buồng phòng là người kiểm tra và giám sát những thiết bị, vật dụng trong phòng ngủ khách sạn
Khi tiến hành làm vệ sinh phòng, nhân viên buồng phòng cũng phải kiểm tra tình trạng hoạt động của các thiết bị, đồ dùng có trong phòng, đảm bảo chúng không bị hỏng hóc hay trục trặc gì. Những thiết bị sử dụng trong phòng khách sạn thường là: tivi, tủ lạnh, đèn, máy nóng lạnh, điều hoà,… Nếu như có vấn đề gì xảy ra thì nhân viên phải báo ngay cho quản lý hay bộ phận kỹ thuật để kịp thời sửa chữa hoặc thay thế, đảm bảo phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.
Ngoài ra, khi khách làm thủ tục trả phòng, nhân viên buồng phòng cũng cần kiểm tra lại một lượt các thiết bị, đồ dùng khách sạn trong phòng, báo cáo khi có hư hỏng hay mất mát do khách hàng gây ra cho trưởng bộ phận hoặc quản lý để kịp thời xử lý.
3. Nhân viên buồng phòng là người đảm bảo hình ảnh cho khách sạn
Nếu như bộ phận lễ tân là “gương mặt đại diện” cho khách sạn thì nhân viên buồng phòng chính là người đảm bảo hình ảnh đẹp trong mắt khách hàng.
Khi khách hàng lưu trú tại khách sạn, phần lớn hoạt động của họ diễn ra tại phòng ngủ. Đó là không gian riêng tư của mỗi khách hàng, là nơi đảm bảo các nhu cầu cá nhân và nhu cầu nghỉ ngơi của họ. Nhân viên buồng phòng chính là người đảm bảo không gian riêng tư ấy luôn sạch sẽ, gọn gàng nhằm mang tới cho khách hàng sự thoải mái, dễ chịu nhất. Chỉ cần một lỗi nhỏ trong căn phòng ngủ thôi, khách hàng có thể có cái nhìn không tốt và mất thiện cảm đối với khách sạn của bạn.
Nếu khách sạn có một đội ngũ nhân viên buồng phòng chuyên nghiệp luôn cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc, luôn tinh ý, quan tâm đến nhu cầu của khách hàng thì chắc chắn khách sạn của bạn sẽ để lại những ấn tượng, hình ảnh đẹp nhất trong mắt khách hàng. Đó cũng là một phương pháp để giữ chân khách hàng và quảng bá thương hiệu vô cùng hiệu quả cho khách sạn.
Ngoài những nhiệm vụ chính ở trên, nhân viên buồng phòng khách sạn còn đảm nhận những công việc khác do cấp trên giao phó; chịu trách nhiệm duy trì các tiêu chuẩn vận hành của khách sạn, … Bên cạnh đó, nhân viên buồng phòng còn là người thường xuyên phát hiện đồ vật, vật dụng khách hàng để quên, nhiệm vụ của họ là báo lại với bộ phận lễ tân hay chăm sóc khách hàng để liên hệ và hoàn trả lại cho cho khách.
Là bộ phận có vai trò quan trọng nhất nhì trong khách sạn, việc theo dõi và giám sát hiệu quả công việc của bộ phận này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu người chủ khách sạn hay người quản lý hiểu được công việc của họ. Chắc chắn, sau khi đọc bài viết này, các bạn đã hiểu hơn về công việc của một nhân viên buồng phòng rồi đúng không. Hy vọng từ những thông tin này, các bạn có thể lên một bản kế hoạch hoàn hảo để đào tạo và quản lý công việc của nhân viên buồng phòng.