Đẩy mạnh tất cả các kênh marketing khách sạn để tìm kiếm nguồn khách hàng tiềm năng là bước phát triển tất yếu trong thời đại 4.0 hiện nay. Giúp khách sạn tự chủ hơn trong nguồn khách cũng như dần loại bỏ sự phụ thuộc vào OTA.
Trong bài viết này, Linhmarketing.com sẽ giới thiệu đến các bạn danh sách những kênh marketing hiệu quả nhất hiện nay. Giúp bạn phân tích từng kênh với các chiến lược khai thác như thế nào cho hợp lý một cách chi tiết nhất.
1 – Marketing khách sạn với OTA (Online Travel Agent)
OTA là kênh đầu tiên mà các khách sạn thường nghĩ tới trong việc quảng bá khách sạn của mình. Trong thời gian đâu mới mở cửa, OTA là kênh giúp khách sạn đem về doanh thu nhiều nhất. Cũng nhờ có OTA mà khách sạn được nhiều người biết tới hơn.
OTA là một thuật ngữ phổ biển trong ngành khách sạn và du lịch. OTA là những đại lý du lịch trực tuyến, họ bán những sản phẩm dịch vụ du lịch như: phòng khách sạn, vé máy bay, .. cho các đơn vị cung cấp. Là cầu nối giữa khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ trên thị trường online.
Một số kênh OTA có tên tuổi trên thế giới như: TripAdvisor, Booking, Agoda, Expedia,.. Còn ở Việt Nam thì chúng ta có Avia, ivivu, Abay, Mytour, Traveloka,… Chúng đều là những mô hình OTA.
a – Ưu điểm của OTA
OTA là kênh có nguồn khách và lượng truy cập đặt phòng hàng ngày tương đối cao. Vì thế, OTA sẽ giúp bạn có được nhiều khách đặt phòng hơn. Đặc biệt là vào những mùa vắng khách thì OTA cũng có thể giúp bạn lấp đầy số phòng trống.
Ngoài ra, OTA cũng góp phần không nhỏ trong việc quảng bá khách sạn của bạn. Giúp nhiều khách hàng, những người yêu du lịch biết tới khách sạn của bạn.
Trên các kênh OTA này cũng có những trang dành riêng cho khách sạn của bạn. Họ sẽ nói về lợi ích, những hình ảnh, thông tin về khách sạn hay các dịch vụ khách sạn cung cấp 1 cách đầy đủ nhất. Du khách có thể tham khảo và tìm hiểu thông tin về khách sạn của bạn trên những trang OTA này.
b – Nhược điểm của OTA
OTA có thể giúp khách sạn lấp phòng trống và có được lượng khách nhất định ban đầu. Tuy nhiên, Commission (hoa hồng) cho các dịch vụ này khá cao từ 20%-30% giá phòng. Có những website đôi lúc còn thu tới 35%-45% phí dịch vụ.
Khi tham gia sân chơi của “người khổng lồ” OTA thì chúng ta cần phải tuân thủ luật chơi của họ. Các kênh OTA luôn ra những chương trình khuyến mại, giảm giá để thu hút khách hàng. Vì thế, họ có thể ép giá, tăng % hoa hồng, xin khuyến mại thêm dịch vụ tại khách sạn để có giá tốt nhất.
Và đương nhiên, những điều này sẽ làm giảm lợi nhuận của chủ khách sạn. Khiến các chủ khách sạn đã không còn quá mặn mà với OTA. Thay vào đó, họ đầu tư phát triển những kênh khác, mang lại lợi nhuận hơn.
2 – Marketing khách sạn trên kênh TA (Travel Agency)
TA (Travel Agency) cũng được hiểu là đại lý du lịch. Tuy nhiên TA lại khác với OTA là họ không có phòng. Sản phẩm mà họ bán ra cho khách hàng chính là tour du lịch.
Các bạn có thể thấy các công ty du lịch chính là hình thức TA. Họ luôn tìm kiếm những dịch vụ mới với giá tốt sau đó bán cho khách hàng theo kiểu combo, tour du lịch từ A-Z.
Từ vấn đề phương tiện đi lại, chơi ở đâu, thăm quan những điểm nào, nghỉ tại nơi nào,.. đều được các công ty du lịch lên lịch trình sẵn. Khách hàng chỉ cần đóng 1 khoản tiền duy nhất để tham gia tour mà không cần quan tâm tới giá của từng dịch vụ trong gói đó.
Các công ty du lịch ăn % hoa hồng từ việc kết nối các dịch vụ này lại với nhau. Đem tới cho khách sạn những đoàn khách lớn. Tuy nhiên, TA cũng không ổn định vì không phải lúc nào cũng có tour.
Bạn nên kết nối với nhiều công ty du lịch lớn hoặc công ty du lịch có nguồn khách mà khách sạn của bạn phục vụ. Điều này sẽ giúp khách hàng định hình được khách sạn của bạn và sẽ là nơi họ cân nhắc khi lần sau có quay lại.
3 – Marketing trên Website khách sạn
Website là kênh giúp khách sạn chủ động có nguồn khách mà không phải mất chi phí hoa hồng cho bất cứ đơn vị trung gian nào. Là hướng đi mà rất nhiều khách sạn đang hướng tới.
Sau khi tìm hiểu các thông tin về khách sạn của bạn trên các kênh khác thì khách hàng thường có xu hướng muốn tìm tới website của khách sạn. Với mong muốn tìm thấy những thông tin nhiều hơn về vị trí địa lý, thiết kế phòng, không gian của khách sạn hay các dịch vụ khác.
Nếu bạn có thể khiến du khách quyết định đặt phòng trên website khách sạn với việc tặng thêm 1 số ưu đãi hấp dẫn. Thì website sẽ giúp khách sạn tiết kiệm được 1 khoản doanh thu không nhỏ.
Bạn cần phải xây dựng website với đầy đủ các tiện ích như kiểm tra phòng trống, đặt phòng online, thanh toán online, gọi điện cho khách sạn hay hộp chat tư vấn online trên website. Cung cấp cho khách hàng các thông tin đầy đủ về các dịch vụ của khách sạn. Đặc biệt chú trọng vào hình ảnh trên website, phải thật đẹp và chuyên nghiệp.
Khi bạn đầu tư hơn vào SEO website thì hiệu quả đem về nguồn khách tự nhiên sẽ còn cao hơn nữa. Thậm chí, website có thể trở thành kênh đem về nguồn khách hàng chính.
4 – Marketing khách sạn trên Facebook
Facebook là một thị trường lớn rộng mở cho những người làm marketing. Việt Nam có hơn 58 triệu người dùng facebook. Theo số liệu đo lương của facebook thì mỗi người trung bình giành khoảng 2 tiếng mỗi ngày để lướt facebook.
Đây là một mỏ vàng đối với bất cứ ai biết khai thác facebook. Tôi cũng đã từng thấy nhiều người trở thành triệu phú từ việc làm ăn kinh doanh trên facebook.
Vậy thì khách sạn có thể tìm kiếm nguồn khách hàng tiềm năng của mình trên facebook hay không? Câu trả lời cho bạn là “Có”!
Tuy nhiên, nó không hề dễ dàng như bạn thấy. Bởi kiếm tiền thì không bao giờ là dễ dàng cả. Nếu dễ thì ai cũng giàu có hết rồi! Vì thế, bạn cần phải nghiên cứu, học hỏi, trau dồi thêm kiến thức về marketing facebook để tìm ra hướng đi cho mình.
Về cơ bản, trên facebook sẽ có 3 cách để bạn khai thác như sau:
Facebook cá nhân:
Tạo ra 1 tài khoản facebook cá nhân sau đó kết bạn với những khách hàng tiềm năng. Hàng ngày bạn đăng bài giới thiệu về khách sạn, những chương trình ưu đãi, hoạt động khác của khách sạn. Cứ như vậy để khác hàng biết tới khách sạn của bạn, thích khách sạn của bạn, sau đó là sử dụng dịch vụ.
Fanpage Facebook:
Fanpage là trang thương hiệu khách sạn trên facebook. Bạn sẽ phải cập nhật thông tin, bảng giá, ưu đãi của khách sạn một cách thường xuyên và đều đặn. Những khách hàng đã từng lưu trú tại khách sạn thường có thói quen check in những bức ảnh chụp hoặc trải nghiệm du lịch của họ trên facebook.
Bạn có thể tận dụng chúng để nhiều người hơn biết tới khách sạn của mình. Biết đâu bạn bè hay anh chị em họ hàng của họ cũng đang có nhu cầu đặt phòng khách sạn thì sao? Nếu khách sạn không có fanpage hoặc không xuất hiện trên facebook thì thật là một sự thiếu sót lớn.
Quảng cáo Facebook:
Quảng cáo facebook giúp bạn có thể truyền tải thông điệp khuyến mại, thương hiệu, tới nhiều người dùng trên facebook hơn. Từ đó có thể chuyển đổi sang khách hàng. Quảng cáo facebook sẽ chia thành các chiến dịch và mục đích khác nhau. Mục đích có thể là chương trình khuyến mại khai trương, khuyến mại những ngày lễ hay đơn giản là video, tin tức bổ ích về du lịch.
Chi phí để quảng cáo facebook thì tùy thuộc vào mức độ đầu tư của bạn. Quảng cáo facebook hiện tại khá cao và không thực sự đem về cho khách sạn quá nhiều lượt booking. Vì thế, Facebook là nơi bạn nên xuất hiện và làm thương hiệu tại đây.
Những bài viết, nội dung trên facebook cũng cần chú ý tới tính giải trí, cộng đồng. Không nên chỉ chăm chăm vào giới thiệu khách sạn. Hãy giới thiệu về những danh lam thắng cảnh xung quanh khách sạn, những trải nghiệm, kinh nghiệm du lịch hay. Chắc chắn bạn sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng người dùng facebook yêu du lịch.
5 – Marketing khách sạn qua Google Ads
Như các bạn đã biết thì khi mà chúng ta muốn tìm kiếm hay tham khảo thông tin gì đó thì chúng ta thường tìm kiếm trên google. Có rất nhiều công cụ tìm kiếm khác nhau như: Google, Bing, Yahoo, Baidu, Yandex,.. Tuy nhiên, phổ biến ở Việt Nam thì chúng ta thường hay sử dụng Google.
Thậm chí đã có người nói rằng “dân ta phải biết sử ta, nếu mà không biết thì tra google”. Cho thấy sự phổ biến cũng như tiện dụng của công cụ tìm kiếm này.
Quảng cáo google giúp bạn tiếp cận đúng đối tượng tiềm năng đang có nhu cầu. Từ đó tỉ lệ chuyển đổi thành khách hàng sẽ cao hơn rất nhiều so với các kênh khác. Vì thế, trong 1 kế hoạch marketing khách sạn thì không thể thiếu Google Ads.
Ví dụ: Khi bạn đang muốn đi du lịch Đà Nẵng, bạn sẽ thường tìm kiếm thông tin gì? Có phải là:
– Kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng
– Địa điểm du lịch đà nẵng
– Du lịch đà nẵng hội an
– Du lịch đà nẵng 3 ngày 2 đêm
– Cẩm nang du lịch đà nẵng
– Khách sạn đà nẵng
– Khách sạn 3 sao đà nẵng
– Khách sạn 4 sao đà nẵng
– khách sạn giá rẻ đà nẵng
– … và rất nhiều các từ khóa liên quan khác nữa
Việc xuất hiện ở TOP đầu kết quả tìm kiếm giúp bạn có tỉ lệ cao hơn cho việc chuyển đổi họ thành khách hàng. Mỗi 1 từ khóa này có khoảng 1,000 – 13,000 lượt tìm kiếm mỗi tháng. Nếu chuyển đổi khoảng 5% số này thành khách hàng thì thực sự nó sẽ là 1 con số không hề nhỏ chút nào.
Việc cài đặt 1 chiến dịch quảng cáo với Google Ads không khó. Chỉ với 1 ngày học và tìm hiểu bạn sẽ có thể chạy quảng cáo Google. Tuy nhiên, từ khóa càng nhiều người tìm kiếm thì lại càng có giá thầu cao. Vì thế, bạn cũng cần tính toán tới chi phí để lựa chọn cho mình những từ khóa với lượng tìm kiếm vừa phải nhưng lại có chuyển đổi cao.
Ngoài ra, việc thiết kế nội dung mẫu quảng cáo google cũng cần phải hấp dẫn và kích thích người dùng click. Có như vậy thì chiến dịch quảng cáo Google Ads mới đem lại hiệu quả tốt nhất!
6 – Marketing khách sạn trên Zalo
Hầu hết những ai dùng smartphone ở Việt Nam đều đang sở hữu 1 tài khoản zalo. Tuy cũng là 1 mạng xã hội giống như facebook nhưng Zalo lại mang tính bảo mật cao và ưu tiên sự riêng tư của mỗi người.
Hầu hết chúng ta lên zalo chỉ để nhắn tin, liên lạc với bạn bè của mình một cách dễ dàng hơn. Đôi khi chúng ta cũng đăng 1 vài stt hay hình ảnh trên tường cá nhân. Có lẽ ít ai ngờ rằng, zalo lại là một mảnh đất màu mỡ tiếp theo để chúng ta marketing khách sạn.
Zalo đặc biệt hữu dụng với khách sạn chuyên phục vụ những đôi tình nhân hoặc khách hàng xung quanh. Với tiện ích tìm kiếm quanh đây, bạn có thể kết nối với hàng nghìn khách hàng tiềm năng của mình trong khu vực để quảng cáo và bán phòng.
Zalo cũng là một kênh mà bạn có thể chăm sóc khách hàng cũ của mình. Đặc biệt khi zalo có chế độ nhắc ngày sinh nhật. Bạn có thể kịp thời chúc mừng sinh nhật khách hàng của mình. Thi thoảng hỏi thăm hoặc đăng bài trên zalo để khách hàng nhớ tới thương hiệu và tỉ lệ khách hàng quay lại sử dụng dịch vụ sẽ rất cao.
Ngoài ra, zalo cũng có dịch vụ quảng cáo cho những ai muốn quảng cáo dịch vụ hay bán sản phẩm. Tuy nhiên, đối với bản thân tôi thì quảng cáo zalo còn khá nhiều vấn đề.
Đặc biệt là việc tương tác của khách hàng với nhà quảng cáo chưa thực sự thuận lợi. Chi phí quảng cáo khoảng 3,500đ/1 Click còn cao hơn một số các hình thức quảng cáo khác. Vì thế, với marketing trên zalo, bạn chỉ cần sử dụng những tính năng miễn phí là đã có hiệu quả rất tốt rồi.
7 – Marketing khách sạn với kênh Youtube
Theo nghiên cứu thì người dùng thích xem video hơn là đọc nội dung 1 bài viết dài. Vì thế, video đang là xu hướng phát triển mới của ngành marketing nói chung và marketing khách sạn nói riêng.
Có rất nhiều khách sạn đã bắt đầu sản xuất những video review, quảng cáo về khách sạn. 1 video clip đẹp, quay mọi “góc chết” của khách sạn sẽ hơn ngàn vạn lời nói hay câu từ hoa mỹ. Giúp khách hàng đễ hình dung và cảm nhận được nơi mình sẽ đến trông như thế nào, đẹp ra làm sao.
Đăng tải video lên youtube, sáng tạo những clip video mới sẽ giúp bạn tiếp cận tới rất nhiều người yêu du lịch hoặc quan tâm tới địa điểm của bạn. Từ đó, giúp họ nhớ đến thương hiệu khách sạn của bạn.
Chủ đề của các video này thì rất đa dạng. Bạn có thể làm video giới thiệu khách sạn, các khu vực trong khách sạn, một số dịch vụ đi kèm hay những tiện ích trong khách sạn đang có. Ngoài ra, bạn cũng có thể làm những video giới thiệu các món ăn, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí ở gần khách sạn của bạn.
Những video kiểu như này thường được rất nhiều người xem và chia sẻ. Từ đó, giúp thương hiệu khách sạn của bạn đi xa hơn, tiếp cận nhiều người hơn. Không chỉ là cơ hội tiếp cận những khách hàng trong nước mà cả những khách hàng quốc tế cũng có thể xem được.
Youtube là 1 kênh tiếp cận khách hàng và làm marketing rất tốt. Tuy nhiên, nó vẫn chưa được các khách sạn quan tâm và đầu tư phát triển. Hầu hết mới chỉ được phát triển bởi những chuỗi khách sạn lớn.
8 – Diễn đàn khách sạn du lịch
Ngày nay, không còn có quá nhiều khách sạn sử dụng diễn đàn du lịch để quảng bá khách sạn của mình. Tuy nhiên, đây vẫn là 1 kênh rất hiệu quả mà khách sạn đang bỏ quên.
Thường thì khi có kế hoạch đi du lịch chúng ta sẽ tìm hiểu các thông tin về địa điểm du lịch nơi mình sẽ tới. Những diễn đàn du lịch, nơi tập chung cộng đồng những người yêu du lịch sẽ giúp bạn có những thông tin bổ ích cho chuyến du lịch của mình.
Để khai thác triệt để các diễn đàn này thì bạn cần phải có 1 danh sách diễn đàn chất lượng. Những diễn đàn chuyên biệt chỉ chia sẻ về du lịch hoặc khách sạn nhà hàng sẽ là một lựa chọn tốt nhất.
Ngoài ra, chúng ta còn cần thêm 1 chút mẹo để biết cách viết nội dung thu hút. Các bạn có thể viết bài chia sẻ video, hình ảnh, những trải nghiệm du lịch. Đặc biệt 1 chủ đề mà rất nhiều người thường quan tâm như kinh nghiệm du lịch, ăn gì, chơi gì, ở đâu? Và trong những bài viết đó chúng ta chèn thông tin khách sạn của mình vào đó như 1 lời giới thiệu.
Không chỉ giúp bạn quảng bá về thương hiệu khách sạn mà những bài viết trên diễn đàn như thế này còn giúp chúng ta có thêm nhiều lượt truy cập vào website. Có thêm backlink tốt cho website hỗ trợ cho SEO và tăng sự uy tín cho website.
Danh sách một số các diễn đàn khách sạn chất lượng mà bạn có thể tham khảo:
- bien19.biz
- cungbandulich.com
- diadiemanuong.com
- diendandulich.com
- diendandulich.net.vn
- diendandulich.org
- diendankhachsan.com
- diendankhachsan.net
- forum.dulichdalat.pro
- hoidulich.com
- phuot.vn
- vndulich.edu.vn
9 – Báo chí, các trang review khách sạn du lịch
Một chiến dịch marketing tốt không thể thiếu đi tiếng nói của báo chí, website chuyên review khách sạn hay những blogger du lịch. 1 bài báo hay có thể giúp bạn tiếp cận tới hàng trăm nghìn người. 1 bài viết trên những trang review khách sạn có thể đem về ngay cho bạn những lượt booking. 1 bài giới thiệu của những blogger du lịch sẽ mang tới trải nghiệm, cảm xúc cho những du khách chưa từng tới khách sạn của bạn.
Tất cả chúng giúp khách sạn của bạn thực sự trở thành 1 thương hiệu mà những người yêu du lịch đều biết tới. Thậm chí, nếu ở khách sạn của bạn có 1 điều gì đó đặc biệt thì chắc chắn sẽ trở thành 1 nơi mà hàng nghìn người muốn tới.
Điều quan trọng là bạn phải tìm ra điều đặc biệt đó. Đôi khi nó đến từ những điều đơn giản như trang trí độc lạ, vị trí thuận lợi, tiện ích khác biệt hay những giá trị mà du khách nhận được.
Chắc hẳn đối với nhưng ai yêu thích ngành khách sạn thi sẽ không chỉ muốn xây 1 cái khách sạn mà phải là cả 1 hệ thống khách sạn. 9 kênh marketing mà tôi vừa giới thiệu trên đây chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn trong việc phát triển thương hiệu và cải thiện doanh thu cho khách sạn.
Tham vọng và ước mơ thì ai cũng có nhưng chúng ta cần phải học hỏi từ những điều nhỏ nhất để thành công. Con đường thành công với ngành khách sạn cũng còn nhiều trông gai phía trước. Tôi mong rằng, những kiến thức còn ít ỏi của mình có thể giúp các bạn phần nào trên con đường kinh doanh khách sạn.