Bạn biết gì về Thỏa thuận công nhận lẫn nhau – Mutual Recognition Arrangements (MRAs)? Thỏa thuận này mở ra những cơ hội gì cho ngành du lịch Việt Nam cũng như các nước trong khối ASEAN?
Đó là những vấn đề mà rất nhiều nhà kinh doanh dịch vụ Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn thắc mắc trong thời gian qua. Nếu bạn chưa hiểu rõ về Thỏa thuận MRA thì hãy dành chút thời gian đọc bài tổng hợp dưới đây của chúng tôi.
1. MRA là gì?
MRA (hay MRAs) là từ viết tắt của Mutual Recognition Arrangements, là thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong khuôn khổ AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) về việc di chuyển lao động giữa các nước trong khu vực. Thỏa thuận này cho phép lao động kỹ năng trong ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn từ các nước ASEAN đến Việt Nam làm việc và ngược lại.
Tính đến cuối năm 2015, MRA đã ký 8 Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRAs) trong 8 lĩnh vực dịch vụ: dịch vụ kỹ thuật (12/2005); dịch vụ điều dưỡng (12/2006); dịch vụ kiến trúc và dịch vụ khảo sát (11/2007); hành nghề y, nghề nha khoa và dịch vụ kế toán (02/2009); hành nghề du lịch (11/2012). Tuy nhiên, số việc làm trong 8 lĩnh vực này cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số việc làm mà Cộng đồng kinh tế ASEAN cung cấp trên Thỏa thuận và mới chỉ có tác động ngắn hạn trong một chừng mực nhất định.
2. Vai trò của MRA đối với ngành du lịch – khách sạn
Thỏa thuận MRA về dịch vụ Du lịch (MRA-TP) – Mutual Recognition Arrangement on Tourism Professionals, được ký vào ngày 9/11/2012 tại Bangkok, Thái Lan. Nội dung chính của Thỏa thuận này là cho phép trình độ của một người lao động trong ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn tại một nước trong khối ASEAN có thể được một nước ASEAN khác công nhận và cho phép làm việc tại nước đó với các điều kiện sau:
– Người lao động có thể làm việc trong một trong 32 lĩnh vực dịch vụ khách sạn và lữ hành theo quy định trong Phụ lục đính kèm MRA-TP. Trừ Hướng dẫn viên du lịch.
– Người lao động phải được đào tạo và có Chứng nhận trình độ du lịch và chứng nhận đó vẫn còn hiệu lực. Có thể đáp ứng Tiêu chuẩn trình độ chung ASEAN về du lịch (ACCSTP) và được cấp bởi một Hội đồng chứng nhận nghề du lịch tại nước mình.
– Người lao động phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định và pháp luật hiện hành của nước sở tại.
Theo như đại diện của Tổng cục Du lịch Việt nam cho biết: Việc đạt được thỏa thuận MRA TP sẽ đem lại rất nhiều thuận lợi, lợi ích cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng bên cạnh đó, cũng không thiếu những khó khăn, thách thức.
Thuận lợi đối với người lao động, khi có một khung tiêu chuẩn chung nghề nghiệp và được cộng đồng ASEAN thừa nhận, họ sẽ có điều kiện để dịch chuyển nơi làm việc sang các nước trong khu vực, nó mở ra nhiều cơ hội giao lưu, phát triển tay nghề hơn. Ngược lại, lao động nước ngoài cũng sẽ có cơ hội vào Việt Nam làm việc. Và điều này sẽ là một khó khăn cho những lao động bản địa nếu họ không đáp ứng được yêu cầu chung của khu vực về trình độ, kinh nghiệm…
Hiện tại, khi tham gia vào Thỏa thuận này, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các trách nhiệm thành viên của mình, tiêu biểu là việc Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ký Công hàm gửi Tổng Thư ký ASEAN, thông báo về việc giao cho Hội đồng cấp chứng chỉ nghề Du lịch (VTCB) thực hiện chức năng của 2 tổ chức Hội đồng ngành du lịch và Hội đồng thẩm định và cấp chứng chỉ nghề du lịch như yêu cầu của MRA-TP. Đồng thời, thừa nhận ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Hiệp định thành lập Ban Thư ký khu vực để triển khai MRA-TP.
Bộ VHTT&DL nước ta cũng đã lựa chọn và đề cử nhân sự tham gia các chương trình đào tạo do ASEAN tổ chức để xây dựng, phát triển đội ngũ viên ASEAN và Đánh giá viên ASEAN đối với các nghề liên quan đến nhà hàng– khách sạn: Buồng phòng, Lễ tân, Phục vụ nhà hàng, Chế biến món ăn.
Ngành du lịch nước ta cũng cũng tham gia xây dựng và phổ biến những tài liệu hướng dẫn đào tạo và đánh giá lao động du lịch theo tiêu chuẩn chung đã được ASEAN thông qua.
Xây dựng và phát triển các tiêu chuẩn nghề du lịch Quốc gia để có cơ sở đối chiếu và công nhận tương đương về tiêu chuẩn nghề nghiệp chung trong khối ASEAN. (Đã có 8 bộ tiêu chuẩn quốc gia được ban hành và đang trong tiến trình chuyển 10 bộ tiêu chuẩn nghề du lịch theo tiêu chuẩn VTOs – Tourism Occupational Skills Standards, do Liên minh châu Âu hỗ trợ hoàn thành.)
Đối với lĩnh vực Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, ASEAN đã xây dựng được 6 tiêu chuẩn nghề nghiệp, gồm:
– 4 tiêu chuẩn thuộc phân ngành Lưu trú Du lịch: Lễ tân, Housekeeping, Phục vụ nhà hàng, Chế biến món ăn
– 2 tiêu chuẩn nghề thuộc phân ngành Lữ hành: Đại lí du lịch, Điều hành tour
Mỗi tiêu chuẩn này gồm có 32 chức danh nghề nghiệp, đó là: Trưởng bộ phận, giám sát bộ phận và các vị trí nghiệp vụ cụ thể.
Tuy mở ra rất nhiều cơ hội nhưng Thỏa thuận này cũng tạo không ít thách thức đối với lao động Việt Nam. Họ phải cạnh tranh không chỉ với lao động được đào tạo cùng ngành trong nước mà còn chạy đua với lao động từ các nước khác trong khu vực. Chính vì vậy, bên cạnh năng lực chuyên môn nghề nghiệp, người lao động cần phải bổ sung và rèn luyện nhiều các kỹ năng khác, như: giao tiếp, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, …để có thể nâng cao cơ hội cạnh tranh, dành cơ hội việc làm tốt nhất.