Bạn muốn bỏ vốn đầu tư vào ngành nghề kinh doanh khách sạn, những bạn chưa biết gì về lĩnh vực này? Việc tìm kiếm các nguồn thông tin qua internet dành cho ngành nghề này vẫn còn nhiều hạn chế, nguồn thông tin chưa đa dạng. Nắm bắt được nhu cầu của các nhà đầu tư mới.
Với bài viết ngày hôm nay, linhmarketing sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản nhất, đi vào trả lời cho 3 câu hỏi chính: kinh doanh khách sạn là gì? nó có đặc điểm như thế nào? và có những loại hình kinh doanh khách sạn nào?
1. Bạn hiểu như thế nào về kinh doanh khách sạn?
Có nhiều người cho rằng, khách sạn là nơi phục vụ nhu cầu lưu trú, ngủ nghỉ cho khách hàng. Nếu chỉ hiểu như vậy thì vẫn chưa đủ, vì ngoài việc đáp ứng nhu cầu lưu trú ra, kinh doanh khách sạn còn cung cấp cả các dịch vụ như: ăn uống, vui chơi giải trí, làm đẹp,…
Vậy, kinh doanh khách sạn là gì?
Hiểu theo một nghĩa đầy đủ và chính xác nhất, kinh doanh khách sạn là hoạt động kinh doanh trên cơ sở cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn uống và các dịch vụ bổ sung cho khách hàng nhằm đáp ứng mọi nhu cầu ăn, nghỉ, giải trí của họ, tại các địa điểm du lịch nhằm mục đích kinh doanh có lãi.
2. Đặc điểm của kinh doanh khách sạn là gì?
Thứ nhất, về sản phẩm kinh doanh: Dịch vụ là sản phẩm chủ yếu của kinh doanh khách sạn và nó tồn tại dưới dạng vô hình. Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của khách sạn được diễn ra một cách đồng thời. Chính điều đó, đòi hỏi sản phẩm của kinh doanh khách sạn phải có tính cao cấp và kịp thời. Do khoảng cách giữa nhà sản xuất đến khách hàng tương đối ngắn, nên việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm là yếu tố có vai trò to lớn quyết định việc khách hàng tìm kiếm đến bạn.
Thứ hai, về đối tượng khách hàng: Khách sạn có đối tượng khách hàng rất đa dạng và phong phú, họ thuộc nhiều tầng lớp xã hội, độ tuổi, giới tính cũng như nghề nghiệp khác nhau. Chính vì vậy, việc hiểu và nắm rõ đặc điểm tâm lý, nhu cầu của từng đối tượng là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn.
Để phục vụ khách hàng một cách hiệu quả và đem về lợi nhuận cao thì khách sạn cần phải tập trung thoả mãn nhu cầu cho một đối tượng khách hàng cụ thể. Đó chính là lý do đòi hỏi việc đi tìm và xác định đối tượng khách hàng mục tiêu trước khi đầu tư kinh doanh khách sạn.
Thứ ba, về việc sử dụng nguồn lực trong kinh doanh: Tại Việt Nam, những khách sạn kinh doanh thành công là những khách sạn biết khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch. Tài nguyên du lịch là yếu tố để xác lập số lượng cũng như đối tượng khách hàng cụ thể sẽ đến khách sạn của bạn, đồng thời, đó còn là nhân tố quyết định đến quy mô, tiêu chuẩn và hiệu quả đạt được trong kinh doanh khách sạn.
Xuất phát từ tính cao cấp của khách sạn, các sản phẩm của khách sạn phải đảm bảo chất lượng cao, thiết bị lắp đặt phải sang trọng, tiện nghi nên nó đặt ra vấn đề về nguồn vốn đầu tư ban đầu. do đó, kinh doanh khách sạn là lĩnh vực đòi hỏi chi phí đầu tư rất cao.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực là yếu tố có ý nghĩa quan trọng và có tính quyết định đến hiệu quả kinh doanh khách sạn. Hành vi cử chỉ, lời nói, thái độ phục vụ,… của nhân viên khách sạn là thước đo để khách hàng đánh giá dịch vụ của bạn và quyết định có trở lại đây nữa hay không. Chính vì vậy, trong quá trình tuyển dụng nhân viên đòi hỏi quản lý hay chủ của khách sạn đều phải đặc biệt chú trọng.
Thứ tư, quy luật trong kinh doanh khách sạn: lĩnh vực kinh doanh khách sạn chịu sự chi phối của các quy luật tự nhiên, quy luật kinh tế – xã hội và cả quy luật về tâm lý con người. Đặc biệt là các yếu tố trong quy luật tự nhiên, như: khí hậu, tài nguyên du lịch,…có sự tác động to lớn đến quá trình phát triển của khách sạn. Các quy luật về kinh tế – xã hội, văn hoá, thói quen là yếu tố tạo nên tính đa dạng và sự khác biệt về nhu cầu của đối tượng khách hàng.
3. Có những loại hình kinh doanh khách sạn nào?
Dựa vào những tiêu chí đặt ra mà ta có nhiều cách để phân chia loại hình kinh doanh du lịch.Dựa vào tiêu chuẩn xếp hạng:
- Khách sạn 1 sao
- Khách sạn 2 sao
- Khách sạn 3 sao
- Khách sạn 4 sao
- Khách sạn 5 sao
Dựa theo quy mô khách sạn:
- Khách sạn nhỏ: 1 đến 150 phòng
- Khách sạn vừa: 151 đến 400 phòng
- Khách sạn lớn: 401 đến 1500 phòng
- Khách sạn Mega: trên 1500 phòng
Dựa vào đối tượng khách hàng chính của khách sạn:
- Khách sạn thương mại (Commercial Hotel): tập trung ở thành phố lớn với đối tượng chủ yếu là khách thương nhân, khách hàng công vụ.
- Khách sạn nghỉ dưỡng (Resort Hotel): phục vụ chủ yếu đối tượng khách du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng,… và thường được xây dựng ở những khu du lịch, nghỉ dưỡng.
- Khách sạn sân bay (Airport Hotel): được xây dựng gần các sân bay phục vụ khách chờ máy bay hay những thành viên phi hành đoàn.
- Khách sạn sòng bạc (Casino Hotel): đối tượng khách chủ yếu là thuộc tầng lớp “đại gia” có nhu cầu giải trí cao, đặc biệt là chơi bài bạc.
- Khách sạn căn hộ (Condotel): Phục vụ cho đối tượng du khách nghỉ dưỡng với thời gian dài.
- Khách sạn bình dân (Hostel): đối tượng khách hàng chủ yếu là dân du lịch bụi, tây balo,…
- Khách sạn ven xa lộ (Motel): là loại hình khách sạn được xây dựng ven đường quốc lộ và phục vụ chủ yếu đối tượng dân phượt, dân du lịch bụi,.. và chỉ có nhu cầu nghỉ qua đêm.
Trên đây là những thông tin cơ bản mà các nhà đầu tư cần biết và nắm rõ trước khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Những thông tin này giúp bạn dễ dàng xây dựng một chiến lược kinh doanh hiệu quả cũng như việc xác định được quy mô, địa điểm kinh doanh tốt nhất, đối tượng khách hàng tiềm năng nhất,…